Trung bình cứ 11 người ở Mỹ có 1 người sẽ mắc sỏi thận ít nhất một lần trong đời, tương tự ở Việt Nam có 10% dân số bị sỏi thận. Tỷ lệ mắc bệnh này tiếp tục gia tăng hằng năm không chỉ ở Mỹ mà trên toàn cầu.
Tình trạng này có thể liên quan đến sự thay đổi chế độ ăn uống, gia tăng các bệnh như tiểu đường và béo phì, di dân từ vùng lạnh đến vùng ấm hơn, nông thôn lên thành thị hay thậm chí do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Gây thêm gánh nặng cho xã hội về chi phí điều sỏi thận, riêng ở Mỹ lên tới 2,1 tỷ đô la vào năm 2000.
Để giảm tỷ lệ mắc sỏi thận và tái mắc sỏi cần đưa ra cho bệnh nhân các khuyến cáo để chủ động phòng ngừa và kiểm soát hình thành sỏi thận. Bệnh nhân cần được đánh giá các yếu tố về chuyển hóa giới hạn hay toàn diện là vấn đề đang được tranh luận nhiều hiện nay.
Các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tỷ lệ mắc sỏi thận có liên quan đáng kể với bệnh tiểu đường. Nhận biết mối liên hệ giữa các rối loạn chuyển hóa và sỏi thận có thể giúp bác sĩ chú ý đên việc xuất hiện sỏi thận ở bệnh nhân có thể đi kèm với tình trạng kháng insulin chẳng hạn. Từ đó đưa ra các khuyến cáo như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục đều đặn, giảm cân nặng và giảm lượng canxi, uống nhiều nước và hạn chế muối.
Trong bài viết dưới đây sẻ bàn về các yếu tố liên quan đến chuyển hóa ở những bệnh nhân mắc sỏi thận lần đầu và hay sỏi thận tái phát.
Tìm hiểu về bệnh sử của người bị sỏi thận có vai trò gì?
Hỏi về tiền sử bệnh tật, tiền sử gia đình và các yếu tố xã hội liên quan là cần thiết với các bệnh nhân đến khám lần đâu tiên vì sỏi thận. Giúp bác sĩ đưa ra dự đoán về khả năng sỏi tái phát trong tương lai và là căn cứ đưa ra các lời khuyên về thay đổi hành vi và đưa ra các chỉ định đánh giá tình trạng chuyển hóa ở bệnh nhân.
1. Tiền sử bản thân
Sỏi thận có thể liên quan đến rất nhiều các bệnh lý khác nhau.
a. Các bệnh đường tiêu hóa (GI):
- Viêm ruột mãn tính hoặc tiêu chảy mãn tính: mất nước thường xuyên qua phân nên dẫn đến giảm lượng nước tiểu gây toán hóa nước tiểu, là yếu tố nguy cơ của sỏi axit uric, gây giảm citrate niệu hoặc tăng oxalat trong nước tiểu hình thành sỏi canxi oxalate.
- Bệnh nhân sau cắt đoạn hồi tràng (ileal resection) do các bất thường ở đường tiêu hóa là nguyên nhân phổ biến của sỏi thận và gây nên bệnh thận mãn tính.
- Phẫu thuật điều trị béo phì (bariatric surgery): cắt 1 phần dạ dày để giảm cân.
- Bệnh nhân phẫu thuật nối ruột kiểu Roux-en-Y có nguy cơ bị tăng oxalat niệu, bệnh xương chuyển hóa và sỏi thận.
- Tiền sử mắc bệnh sỏi mật và tăng triglyceride máu liên quan đến sỏi thận, mặc dù sinh lý bệnh không chắc chắn.
b. Bệnh Sarcoidosis (một bệnh lý hệ thống đặc trưng viêm nhiễm u hạt ở phổi) dẫn đến tăng calci niệu và tăng calci máu.
c. Tăng huyết áp và tiểu đường thường liên quan đến hội chứng chuyển hóa, có các đặc điểm béo bụng và kháng insulin. Hội chứng chuyển hóa tăng nguy cơ hình thành sỏi axit uric do nước tiểu axit quá mức do tình trạng kháng insulin.
d. Thừa cân, béo phì tăng bài tiết oxalate trong nước tiểu nên nguy cơ hình thành sỏi calci oxalate.
Ỏ bệnh nhân có bệnh thận mãn tính ít có nguy cơ tạo sỏi do thận bị giảm khả năng cô đặc nước tiểu và giảm bài tiết canxi qua nước tiểu do hậu quả của cường tuyến cận giáp thứ phát.
Bệnh lý thận đa nang (polycystic kidney disease) và bệnh xốp tủy thận (medullary sponge kidney) có nguy cơ tạo sỏi thận.
Hội chứng Sjögren và các bệnh lý ống thận khác có thể dễ tạo sỏi do hậu quả của nhiễm toan ống thận (RTA).
Tiền sử sử dụng thuốc
Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ tạo sỏi.
- Thuốc điều trị HIV như atazanavir
- Thuốc ứ chế anhydrase carbonic: như acetazolamide, topiramate
- Thuốc lợi tiểu
- Felbamate: một loại thuốc chống động kinh.
- Bổ sung vitamin C và canxi.
Tuy nhiên vitamin B6 và canxi trong chế độ ăn uống không làm tăng nguy cơ sỏi thận mà còn có thể giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi.
Vitamin D dường như không ảnh hưởng đến bài tiết canxi trong nước tiểu 24 giờ và chưa được chứng minh là làm tăng nguy cơ sỏi.
2. Tiền sử gia đình
Yếu tố gia đình liên quan đến nguy cơ có sỏi.
Một nghiên cứu ước tính rằng 56% sỏi thận là do yếu tố di truyền. Tuy nhiên, gen nào gây ra tình trạng này thì vẫn chưa chắc chắn nên xét nghiệm di truyền chưa được sử dụng trên lâm sàng.
Ngoại trừu một số bệnh lý di truyền xác định được gen như bệnh tăng oxalate niệu nguyên phát và bệnh Dent (bệnh thận do đột biến gen làm cho cầu thận bị thoát protein trọng lượng phân tử thấp và tăng can-xi niệu) .
Bệnh thận đa nang, bệnh RTA có yếu gia đình nên có nguy cơ tạo sỏi.
3. Yếu tố xã hội
Nghề nghiệp: Bệnh nhân có ngành nghề không cho phép uống nhiều nước hoặc ít được sử dụng nhà vệ sinh nên thường xuyên bị giảm lượng nước tiểu nên dễ bị hình thành sỏi. Như lái xe đường dài (vận chuyển hàng hóa, lái taxi,..) và giáo viên tiểu học.
Những người sống ở vùng khí hậu nóng. Công nhân xây dựng hoặc các ngành nghề phải làm việc ngoài trời khác. Uống nhiều nước nhưng thường tiểu ít do mất nước qua mồ hôi.
Biết nghề nghiệp của bệnh nhân giúp đưa ra các lời khuyên phù hợp.
4. Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến việc hình thành sỏi. Một chế độ ăn nhiều muối làm bài tiết canxi qua nước tiểu quá mức. Thực phẩm chế biến sẵn, đóng gói thường có hàm lượng muối cao. Cần phải làm xét nghiệm nước tiểu 24 giờ mới biết được bệnh nhân có ăn dư muối không.
Đạm động vật có thể gây tăng calci trong nước tiểu, tăng oxalate nước tiểu và tăng uric niệu, dẫn đến tăng nguy cơ tạo sỏi can-xi, chế độ ăn này hay gặp ở các vận động viên và người tập thể hình.
Chế độ ăn giàu đạm tăng thải các acid qua thận nên cũng làm giảm pH nước tiểu góp phần làm tăng nguy cơ bị sỏi acid uric.
Chế độ ăn kiêng Atkins (là chế độ ăn kiêng ít carbohydrate do Robert Atkins nghĩ ra, cho rằng hạn chế carbohydrate là rất quan trọng để giảm cân) và chế độ ăn giàu protein khác không được khuyến cáo là chế độ giảm cân cho bệnh nhân mắc bệnh thận (trừ khi được chỉ định bổ sung thêm kali citrate).
Uống nước ép bưởi nhiều có nguy cơ sỏi cao hơn ở cả nam và nữ nhưng cơ chế thì chưa rõ ràng, và đồ uống có nhiều fructose cũng dễ tạo sỏi.
Thực phẩm chứa nhiều oxalate: các loại hạt, rau xanh đậm (đặc biệt là rau bina), mứt trái cây, trái cây sấy khô, và sô-cô-la.
Chế độ ăn ít canxi nguy cơ dễ tạo sỏi hơn, vì cơ thể sẻ phải hấp thụ nhiều oxalate trong thức ăn.
Những người ăn chay thuần bài tiết oxalate trong nước tiểu cao hơn, tuy nhiên họ có ít bị sỏi hơn vì lượng nước tiểu họ bài tiết nhiều và thải nhiều citrate qua nước tiểu.
Chế độ ăn để kiểm soát huyết áp DASH (The Dietary Approaches to Stop Hypertension – DASH) là chế độ ăn nhiều trái cây và rau quả, tiêu thụ sữa ít béo và ăn ít đạm động vật. Chế độ ăn uống cũng chứa các nguồn có oxalate, như các loại hạt, đậu và ngũ cốc; nhưng chế độ ăn này giảm lượng muối, nước ngọt và thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Nên chế độ ăn DASH giúp giảm nguy cơ bị sỏi thận.
(Còn tiếp)
Bs Đặng Phước Đạt – BV Gia Đình – Đà Nẵng