Túi sa niệu quản (Ureterocele) là tình trạng giãn thành nang giả của đoạn niệu đạo tận cùng dưới niêm mạc. Bệnh có thể gặp ở bất cứ tuổi nào, từ trẻ sơ sinh cho đến tuổi già, nhưng bệnh gặp nhiều ở trẻ em. ((https://www.urologyhealth.org/urology-a-z/u/ureterocele))
TÚI SA NIỆU QUẢN
Chẩn đoán
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
Ở trẻ em
– Nhiễm trùng tiết niệu: Sốt cao, đái đục, chậm lớn.
– Những rối loạn tiểu tiện.
– Đái khó, đái rắt từng lúc, đái đau.
– Đái rỉ.
Ở người lớn
– Đau vùng thắt lưng âm ỉ, có lúc đau tăng lên thành cơn như cơn đau quặn thận.
– Nhiễm trùng tiết niệu biểu hiện dưới dạng viêm bàng quang cấp tính hoặc bán cấp tái phát, viêm thận bể thận tái phát hoặc đái mủ.
– Rối loạn tiểu tiện: Đái buốt, đái rắt đặc biệtlà đái khó. Đái khó thường xuyên hoặc xuất hiện thành cơn gây nên bí đái mãn tính không hoàn toàn.
Dựa vào các triệu chứng cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh:
– Siêu âm: Phát hiện túi sa trong bàng quang, vị trí, kích thước. Có thể phát hiện các dị dạng kèm theo và biến chứng trên thận do túi sa gây nên: thận niệu quản đôi, thận – niệu quản giãn, sỏi bên trong nang…
– Chụp niệu đồ tĩnh mạch (UIV): Hình ảnh điển hình của túi sa là hình đầu rắn hổ mang tại bàng quang (cobra-head extension). Có thể giúp đánh giá tình trạng thận – niệu quản và các dị dạng kèm theo (thận – niệu quản đôi, giãn đài bể thận – niệu quản…)
– Chụp bàng quang ngược dòng: để đánh giá thêm về kích thước túi sa.
– Soi bàng quang
Các xét nghiệm:
– Sinh hoá, máu. Lưu ý chỉ số Urê và Creatinin để đánh giá chức năng thận toàn bộ trong trường hợp có bệnh lý 2 bên thận – niệu quản.
– Xét nghiệm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ.
Biến chứng
Bệnh diễn biến lâu ngày gây các biến chứng:
– Sỏi niệu quản.
– Túi sa niệu quản sa ra ngoài.
– Viêm thận ngược dòng.
Điều trị
Có thể mổ mở hoặc mổ nội soi
- Mổ mở: Cắt túi sa và cắm lại niệu quản vào bàng quang.
- Mổ nội soi qua bàng quang: Mở túi sa bằng dao điện.
- Điều trị các biến chứng của túi sa lấy sỏi hoặc tán sỏi trong nang, tạo van chống trào ngược niệu quản…
QUY TRÌNH KỸ THUẬT NỘI SOI XẺ SA LỒI LỖ NIỆU QUẢN
Sa lồi niệu quản là bệnh lý giãn hình túi lồi vào trong lòng bàng quang của đoạn niệu quản thành bàng quang.
Bệnh lý này hay gặp khi niệu quản đổ lạc chỗ, hẹp vị trí đổ vào bàng quang..
Hai loại sa lồi niệu quản: túi sa lồi là niêm mạc bàng quang hoặc là thành niệu quản.
CHỈ ĐỊNH
Sa lồi lỗ niệu quản đơn thuần hoặc đã gây biến chứng như:
Bí đái
Viêm bàng quang
Suy thận
Đái máu
Sỏi trong túi sa lồi
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Những bệnh toàn thân chưa được điều trị như rối loạn đông máu, suy tim, tiểu đường, nhiễm trùng tiết niệu…
Hẹp niệu đạo.
Cứng khớp hông.
CHUẨN BỊ
Người thực hiện: Phẫu thuật viên được đào tạo chuyên khoa và có kinh nghiệm.
Phương tiện dụng cụ: Bộ dụng cụ phẫu thuật nội soi tiết niệu đường dưới.
Người bệnh:
Người bệnh được giải thích kỹ về những ưu điểm và những biến chứng có thể xảy ra.
Đối với những người bệnh đang dùng thuốc chống đông đường uống, phẫu
thuật sẽ được tiến hành sau khi dừng thuốc chống đông 3 ngày, làm xét nghiệm đông máu: tỷ lệ prothrombine đã tăng lên đến mức như ở người bình thường; Có thể thay thuốc chống đông đường uống bằng thuốc chống đông đường tiêm; Vì tác dụng của thuốc chống đông đường tiêm thường ngắn và có thể tiến hành phẫu thuật 6 giờ sau khi tiêm mũi chống đông cuối cùng.
Thuốc điều trị những bệnh tim mạch, huyết áp cao, phải được thay đổi hoặc ngừng trước phẫu thuật.
Những người bệnh có nguy cơ bị thiểu năng mạch vành, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, phải được làm thêm các xét nghiệm chuyên sâu trước mổ.
Hồ sơ bệnh án: như phẫu thuật thường quy.
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Kiểm tra hồ sơ: biên bản hội chẩn, cam kết phẫu thuật, biên bản duyệt mổ, biên bản khám tiền phẫu và tiền mê.
Kiểm tra người bệnh: đúng người bệnh, đúng bên thương tổn đã đánh dấu.
Thực hiện kỹ thuật:
Tư thế người bệnh:
Người bệnh được đặt nằm trên bàn mổ, mông sát hoặc hơi vượt quá bờ dưới của mặt bàn mổ. Hai đùi dạng tối đa, nhưng gấp nhẹ vào bụng; Hai đùi dạng tối đa cho phép di chuyển máy cắt sang hai bên dễ dàng; Nhưng hai đùi gấp quá mức vào bụng sẽ đẩy khung chậu ra phía trước và làm cho niệu đạo cong rất nhiều; Tư thế này gây khó khăn cho việc đặt máy vào bàng quang và thao tác cắt đốt.
Dây dẫn ánh sáng, dây dẫn điện và dây camera được bố trí về cùng một bên để thao tác cắt đốt trong cuộc mổ được thuận lợi.
Đặt máy qua niệu đạo vào bàng quang:
Cuộc mổ được bắt đầu bằng đặt vỏ máy qua niệu đạo vào bàng quang; Trong phần lớn các trường hợp, việc đặt vỏ máy vào bàng quang không có khó khăn gì.
Nếu lỗ ngoài niệu đạo bị hẹp, có thể nong rộng hay dùng dao rạch lỗ sáo về phía 6 giờ, khâu cầm máu 2 mép của vết rạch bằng chỉ tự tiêu 4/0, sau đó đặt máy. Trong những trường hợp khó khăn, phải đặt máy dưới màn hình theo các bước sau:
Vỏ máy đã được đặt trong niệu đạo, rút bỏ que thông nòng ra khỏi vỏ máy, đặt bộ phận “cò máy” – đã lắp ống kính – vào trong vỏ máy và mở 2 vòi nước đê dịch rửa chảy vào niệu đạo và chảy ra ngoài.
Đặt máy qua niệu đạo vào bàng quang dưới màn hình: dòng nước rửa chảy vào có tác dụng mở rộng niệu đạo và làm cho việc nhìn thấy hình ảnh trên màn hình được rõ ràng hơn.
Xẻ túi sa lồi niệu quản:
Xác định vị trí túi sa lồi, cắt mở thành túi, gắp sỏi trong túi sa lồi nếu có.
Cầm máu kỹ diện cắt.
Săn sóc sau mổ:
Dùng dung dịch mặn đảng trương rửa bàng quang liên tục cho đến khi nước tiểu trong; Chú ý không để tắc ống thông niệu đạo; Kháng sinh dùng 3 ngày đường toàn thân; Nếu trước mổ đã bị viêm bàng quang, viêm hệ tiết niệu: dùng kháng sinh đường toàn thân 1 tuần. Sau mổ 6 giờ có thể uống nước, ăn nhẹ. Sau 24 giờ, ăn uống bình thường. Rút ống thông niệu đạo sau 24- 48h; Người bệnh ra viện, được tiếp tục theo dõi và điều trị ngoại trú.
THEO DÕI
Chảy máu
Ít gặp và có thể xử trí đốt cầm máu kỹ
Sốc nhiễm trùng
Khi người bệnh có viêm bàng quang, viêm hệ tiết niệu; Việc tưới rửa bàng quang đã đẩy vi khuẩn vào trong hệ tuần hoàn, gây nên nhiễm trùng huyết; Đây là một tình huống rất nặng, người bệnh có thể tử vong trong vài giờ.
Khi người bệnh rét run, da tái, mạch nhanh, huyết áp tụt phải báo và phối
hợp thật tốt với bác sỹ gây mê hồi sức, khẩn trương đốt cầm máu; Dùng các loại kháng sinh mạnh, phối hợp liều cao, đường tĩnh mạch, vừa đảm bảo hô hấp và huyết động tốt; Cấy máu, cấy nước tiểu, làm kháng sinh đồ.
Thủng bàng quang:
Tai biến này ít gặp, thường xảy ra thủng ngoài phúc mạc, xử trí bằng đặt thông tiểu 7- 10 ngày
Nguồn: Bộ Y tế