Sỏi bàng quang ngoài những đặc điểm chung của sỏi ở hệ tiết niệu, còn có những đặc điểm riêng vì thường gặp ở nam giới và liên quan đến tình trạng ứ đọng nước tiểu do tắc nghẽn ở cổ bàng quang hay niệu đạo.

Chẩn đoán và điều trị sỏi bàng quang cũng đơn giản hơn so với sỏi ở đường tiết niệu trên, điều trị ít xâm lấn có nhiều lợi ích, giảm sang chấn trên bàng quang.

Cơ chế hình thành sỏi bàng quang

Chủ yếu do tình trạng ứ đọng nước tiểu lâu ngày trong lòng bàng quang: sỏi hình thành do có sự xuất hiện tinh thể, hiện tượng bão hoà trong nước tiểu kéo dài trong thời gian đủ lâu để hình thành sỏi.

Cơ chế thứ hai là từ đường niệu trên di trú xuống. Sỏi hình thành ở đài bể thận, đa số sỏi di chuyển từ thận xuống sẽ được tông xuất ra ngoài theo đường tự nhiên. Một số còn lại sẽ dừng lại ở bàng quang và cư ngụ tại đó.

Sỏi bàng quang có thể hình thành tại bàng quang có dị dạng và biến đổi giải phẫu bất thường của bàng quang, cổ bàng quang…

Phân loại

Sỏi có tính chất địa phương

là sỏi của trẻ em nam ở các nước đang phát triển chủ yếu là oxalat calci, nguyên nhân do thức ăn thiếu chất đạm, và tình trạng mất nước kéo dài.

Sỏi thứ phát

hay gặp nhất do ứ đọng nước tiểu và nhiễm khuẩn trong các bệnh

Ở nam giới: tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, hẹp niệu đạo, bàng quang hỗn loạn thần kinh…

Ở nữ: do sa tử cung, túi thừa niệu đạo…

Dị vật bàng quang, u bàng quang

Tiến triển

Sỏi nằm lại trong lòng bàng quang làm niêm mạc bàng quang bị tổn thương, viêm đỏ và sưng nề nhất là loại sỏi Oxalat có nhiều gai nhọn. Phù nề, viêm loét niêm mạc rồi dần dần viêm kẽ ở lớp cơ, và viêm lớp mỡ quanh bàng quang. Về lâu dài, bàng quang bị thu nhỏ dung tích, sức chứa giảm đi nhiều làm biến đối dần đường tiết niệu trên: niệu quản, bàng quang, đài – bể thận.

Thăm khám

Bệnh sử

Trường hợp sỏi không triệu chứng: diễn tiến âm thầm, bệnh nhân tình cờ phát hiện khi đi khám bệnh.

Sỏi kẹt ở cổ bàng quang, niệu đạo: gây ra tiểu máu, bí tiểu cấp…

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: sốt, tiểu đau rát..

Tiểu ngắt quãng, tiểu máu, nước tiểu có cặn đục..

Khám lâm sàng

Đau buốt vùng hạ vị.

Tiểu lắt nhắt: cảm giác muốn đi tiểu tiểu thường xuyên, tiểu nhiều lần, mỗi lần chỉ được một ít, thỉnh thoảng bị tắc tiểu.

Tiểu máu cuối bãi

Nếu có nhiễm khuẩn đường tiết niệu: tiểu gắt, tiểu khó, tiểu máu…

Thăm khám trực tràng, âm đạo có thể sờ thấy được sỏi (khi sỏi to).

Dấu chạm sỏi (+/-) khi đặt sonde Beniqué (ít dùng).

Cận lâm sàng

  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Công thức máu, CRP, sinh hóa máu, cấy máu nếu có nhiễm khuẩn huyết.
  • Cấy nước tiểu
  • Siêu âm:

Phát hiện sỏi, tình trạng bàng quang, các bất thường khác ở bàng quang, tuyến tiền liệt.

Nhiều trường hợp sỏi không triệu chứng được phát hiện tình cờ khi khám siêu âm kiểm tra thường quy hoặc siêu âm bụng vì một lý do khác.

  • X quang KUB

Xác định vị trí sỏi cản quang, cho biết kích thước số lượng và hình dáng của sỏi, rất có giá trị vì hầu hết sỏi hệ tiết niệu ở Việt nam là sỏi cản quang.

  • Chụp hệ CT hệ niệu có thuốc

– Hình dáng thận, đài bể thận, niệu quản.

– Vị trí của sỏi trong đường tiết niệu.

– Mức độ giãn nở của đài bể thận, niệu quản.

– Chức năng bài tiết chất cản quang của thận từng bên.

Chẩn đoán sỏi bàng quang

Chẩn đoán xác định:

Dựa vào lâm sàng và cận lâm sàng.

Chẩn đoán nguyên nhân:

– Do hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo.

– Do tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt.

– Bàng quang thần kinh…

Chẩn đoán phân biệt

– Sỏi niệu quản nội thành, sỏi niệu đạo.

– Khối u: niệu quản, bàng quang, tuyến tiền liệt.

– Viêm bàng quang (nhiễm trùng, lao), viêm tuyến tiền liệt, viêm niệu đạo.

– Hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo đơn thuần.

nội soi bàng quang
nội soi bàng quang

Điều trị sỏi bàng quang

Mục đích điều trị

Lấy sạch sỏi

Giải quyết tình trạng bế tắc, nhiễm trùng.

Dự phòng sỏi tái phát.

Nguyên tắc điều trị

Lấy sạch sỏi: ưu tiên phương pháp ít xâm lấn.

Giải quyết nguyên nhân gây sỏi bàng quang.

Điều trị sỏi

Phẫu thuật mở bàng quang lấy sỏi: khi sỏi lớn, có nhiễm khuẩn, có các bệnh lý kết hợp kèm theo như: hẹp cổ bàng quang, hẹp niệu đạo, bướu tuyến tiền liệt,túi thừa bàng quang…

Trong các trường hợp khác như sỏi không quá lớn, niệu đạo không hẹp, cổ bàng quang không bị biến dạng thì: tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi bằng laser hoặc bóp sỏi cơ học qua nội soi bàng quang.

Điều trị nguyên nhân gây sỏi

Hẹp cổ bàng quang: xẻ rộng cổ bàng quang qua nội soi, mổ mở.

Tăng sinh tuyến tiền liệt: cắt bướu tuyến tiền liệt qua nội soi, mổ mở.

Viêm bàng quang, bàng quang thần kinh: mở bàng quang ra da.

Hẹp niệu đạo: tạo hình niệu đạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Giáo trình Bệnh học Nội khoa, 2008. Bộ Môn Nội – Trường Đại học Y Dược Huế, NXB Y học.

2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu của Hội thận tiết niệu Việt Nam (VUNA) 2013.

3. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sỏi tiết niệu của Hiệp Hội Niệu khoa Châu Âu (EAU) 2021.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây